Khi niềm tin bị mai một

10-09-2020
Một số bệnh viện tìm lối thoát cho mình bằng những cách khác nhau. Trong khi Bệnh viện Việt Tiệp (Hải Phòng) nhờ công an cắm chốt tại bệnh viện và lập đường dây nóng với cảnh sát 113 thì Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) huy động 80 bảo vệ. Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM) trang bị hệ thống camera khắp nơi, kể cả trong phòng họp, nơi tiếp dân; còn Bệnh viện Hùng Vương (Phú Thọ) lại tổ chức thuê võ sư về dạy cho y bác sĩ…
 
Nhiều người cho rằng, đây là những giải pháp sáng suốt. Nhưng nhiều câu hỏi cũng được đặt ra khi bác sĩ phải học võ và bệnh viện luôn nóng với cảnh sát mang dùi cui? Cứ cho là, nhờ có “hàng rào” bảo vệ ấy, bác sĩ sẽ không còn lo sợ bị hành hung nữa. Nhưng đó chỉ là giải pháp bị động và tạm thời.
 
Người đàn ông tấn côn bác sĩ V.H.C đêm 13/4 tại bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội (Nguồn: Lao Động)

Người đàn ông tấn công bác sĩ V.H.C đêm 13.4 tại Bệnh viện Xanh pôn, Hà Nội. (Nguồn: Lao động)

Việc lập chốt công an trong bệnh viện khác nào tự xây những bức tường thành vô hình ngăn cách giữa bệnh nhân và bác sĩ? Sẽ chẳng bác sĩ nào có thể tập trung vào công tác cứu người khi kề cận bên mình là những “vệ sĩ”. Điều gì sẽ xảy ra khi bác sĩ luôn khám chữa bệnh trên tinh thần phòng vệ, luôn ái ngại, giữ khoảng cách với chính người bệnh của mình? Chỉ khi người ta thiếu niềm tin mới là nguồn cơn của mọi sự thù địch, đối đầu và xung đột trong cuộc sống.

 
Bạn tôi là bác sỹ một bệnh viện lớn tại Hà Nội, có lần nói: “Trước đây, mỗi khi ca mổ thành công, nhìn người nhà mừng rỡ, thở phào cứ như liều doping, cho mình thêm nguồn năng lượng mới. Chưa bao giờ, cầm dao mổ lại cảm thấy run tay như lúc này”. Tôi hiểu cảm xúc “sợ cành cong” của bạn vì chuyện bác sĩ bị hành hung bởi người nhà bệnh nhân - dù với bất cứ lý do gì cũng gây tổn thương không nhỏ đối với người thầy thuốc. Đối mặt với công việc cứu chữa bệnh đã là một áp lực không nhỏ, giờ đây áp lực đó lại càng lớn hơn.
 
Nhưng bác sĩ hành nghề cứu người chứ không phải hoàn thành công việc như một cái máy chuyên môn “tối ngày đầy công”. Khoảnh khắc cứu được một người bệnh đối với bác sĩ là khoảnh khắc đẹp, có khi đi theo họ suốt cả cuộc đời. Bởi thế, đừng đào sâu chiếc hố ngăn cách người thầy thuốc và bệnh nhân nữa. Chốt công an chỉ là bức tường thành về bề nổi, sâu xa chính là tình cảm, niềm tin, mối tương trợ đôi bên.
 
Có một người anh là bác sĩ trong Bệnh viện Đại học Y Hà Nội từng chia sẻ với tôi về những chuyến khám chữa bệnh tình nguyện trên miền núi. Tôi để ý đến gương mặt anh, ánh mắt anh tự hào khi nghĩ về hình ảnh những bệnh nhân nghèo xếp hàng dài để được thăm khám dù ngoài trời đang mưa.
 
Ai đó nói, mối giao cảm giữa người nhà bệnh nhân với bác sĩ là niềm tin và sự biết ơn. Bạo lực chỉ xảy ra khi đôi bên không hiểu nhau, khi không có mối giao cảm thông thường ấy. Nếu như chốt công an hiện hữu trong bệnh viện để bảo vệ sự an nguy của người bác sĩ không chỉ tạo khoảng cách vô hình mà còn để mất đi thứ quý giá hơn, đó là niềm tin, tình yêu mà bệnh nhân dành cho thầy thuốc.
 
Đành rằng, cũng có những cá nhân vì mất kiểm soát đánh bác sĩ nhưng hiện tượng ấy chắc chắn không phổ biến. Tập võ cho bác sĩ, tăng cường bảo vệ bệnh viện hay cắm chốt công an gần nơi cấp cứu tạo hành lang an toàn mới chỉ giải quyết phần ngọn. Giải pháp bền vững, cái gốc của vấn đề chính là khơi thông dòng thông tin giữa phòng cấp cứu, khoa khám bệnh, khoa điều trị với bệnh nhân cũng như người nhà. Khi đôi bên cùng hiểu, cùng chia sẻ, cùng thông cảm, chắc chắn sẽ ít đi những “cú đấm” vào nhân phẩm người thầy thuốc.
Trọng Thức

Gọi điện SMS Chỉ Đường
Loading
Messenger Zalo