Các cây thuốc nam giải độc gan

04-10-2022
Các vấn đề về gan là một bệnh lý tiêu hóa khá phổ biến. Dân gian lưu truyền nhiều bài thuốc nam có công dụng giải độc gan, hỗ trợ điều trị bệnh lý gan mật. Vậy các cây thuốc nam thực sự có tác dụng này? Bài viết sẽ đưa ra cái nhìn đa chiều về giải độc gan bằng phương pháp dân gian.
 
1. Vai trò, chức năng của gan trong cơ thể
Gan là cơ quan nội tạng lớn nhất trong cơ thể, đảm nhận cả vai trò nội tiết và ngoại tiết. Sự rối loạn hoạt động, chức năng gan để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng.
 
1.1. Vai trò giải độc của gan
Một trong các chức năng quan trọng của gan là đào thải độc tố. Độc tố có thể là những chất chuyển hóa trung gian bên trong cơ thể (nội sinh) hoặc từ bên ngoài vào (ngoại sinh). Gan hoạt động để khử các độc tố đó theo các cơ chế:
Cơ chế hóa học: Gan thường khử độc theo cơ chế này nhất. Tại gan, các chất độc sẽ chuyển hóa thành chất không độc tan trong nước, sau đó đào thải ra ngoài cơ thể.
Cơ chế cố định thải trừ: Gan giữ lại các chất độc, sau đó đào thải chúng ra khỏi cơ thể theo đường mật ở nguyên dạng.
 
1.2. Vai trò sản xuất mật của gan
Các tế bào gan sản xuất dịch mật và dự trữ dịch mật trong các túi mật. Mỗi ngày gan tiết ra khoảng nửa lít mật, bao gồm các thành phần muối mật, sắc tố mật, bilirubin, cholesterol, các điện giải, nước...
 
1.3. Chức năng chuyển hóa của gan
Gan đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển hóa glucid, protid, lipid. Nhờ đó, gan còn tham gia vào cơ chế điều hòa đường huyết, cung cấp năng lượng cho cơ thể.
 
2. Nguyên nhân nhiễm độc gan
Gan có vai trò giải độc cho cơ thể. Việc phơi nhiễm với quá nhiều độc tố trong sinh hoạt, công việc hàng ngày, hay việc sử dụng một số thuốc điều trị bệnh,... là nguyên nhân khiến cho gan bị nhiễm độc. Đặc biệt, các bệnh lý về gan như viêm gan mạn, xơ gan, ung thư gan,... làm hủy hoại tế bào gan, suy giảm chức năng gan,... khiến cho gan dễ bị nhiễm độc hơn hoặc làm tình trạng bệnh trở nên nặng nề hơn. Ngoài ra, các yếu tố tác động khác như áp lực, lối sống ít vận động,... cũng là điều kiện thuận lợi dẫn đến nhiễm độc gan.
 
3. Các phương pháp giải độc gan
Khi có các biểu hiện "nóng" gan, bệnh nhân cần đến các cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán và chỉ định điều trị hợp lý, chính xác.
 
3.1. Phương pháp không dùng thuốc
Bệnh nhân nhiễm độc gan mức độ nhẹ có thể được điều chỉnh bằng các phương pháp không dùng thuốc. Bác sĩ sẽ tư vấn điều trị và đưa ra lời khuyên tùy thuộc vào tình trạng bệnh cụ thể. Các phương pháp không dùng thuốc có thể kể đến là:
Chế độ ăn uống hợp lý: Dùng các thực phẩm lành mạnh, an toàn cho sức khỏe. Tránh các thực phẩm nhiễm độc, nhiễm bẩn,... Tránh sử dụng chất kích thích.
Tránh các thức ăn gây hại cho gan, như thức ăn chế biến sẵn, đồ chiên rán, nhiều dầu mỡ, nhiều muối.
Lối sống sinh hoạt lành mạnh, điều độ, tránh thức khuya.
Vận động, luyện tập hợp lý: Tập thể dục thường xuyên, các bài tập dưỡng sinh hay yoga giúp lưu thông khí huyết trong cơ thể, từ đó cải thiện hoạt động chức năng của gan.
 
3.2. Phương pháp dùng thuốc
Nhiễm độc gan có thể diễn tiến để lại nhiều biến chứng nguy hiểm, nặng nề nhất là tử vong. Do đó, bệnh nhân nhiễm độc gan nặng cần đến các cơ sở y tế để được điều trị với các loại thuốc giải độc gan hoặc phương pháp hữu hiệu khác với cơ sở khoa học đầy đủ.
 
4. Giải độc gan bằng phương pháp dân gian có an toàn?
Một số cây thuốc nam khi sử dụng đúng liều lượng và cách dùng sẽ có tác dụng tốt đối với hoạt động chức năng của gan, giúp thanh nhiệt, giải độc, mát gan,... Sự phối hợp điều trị giữa bác sĩ chuyên khoa và bác sĩ y học cổ truyền sẽ giúp chọn lựa phương pháp giải độc gan phù hợp với từng bệnh nhân.
 
Tuy nhiên, nếu sử dụng không đúng cách hoặc quá lạm dụng, sử dụng quá nhiều, liên tục một khoảng thời gian dài hoặc phối hợp không hợp lý các cây thuốc giải độc gan có thể bị “phản tác dụng”, khiến cho gan làm việc quá sức, dễ suy yếu và nhiễm độc hơn.
 
Hiện nay, nhiều bệnh nhân tự ý sử dụng các cây thuốc nam nhằm mục đích giải độc gan khi chưa có bằng chứng khoa học đầy đủ. Việc sử dụng thuốc không đúng chỉ định của bác sĩ không cải thiện được bệnh mà còn có thể tác động xấu đến gan hay gây ra tác dụng phụ trên các cơ quan khác. Cây thuốc nam giải độc gan đôi khi còn trở thành gánh nặng kinh tế cho nhiều bệnh nhân và gia đình.
 
5. Các cây thuốc nam giải độc gan
Để giải độc gan bằng phương pháp dân gian có hiệu quả, bệnh nhân cần được hướng dẫn, tư vấn điều trị bởi các bác sĩ y học cổ truyền, tránh “tiền mất tật mang”. Dưới đây là một số cây thuốc có thể hỗ trợ chức năng gan:
Atiso: Atiso được biết đến như một thực phẩm có tác dụng mát gan, giải độc, có thể được chỉ định ở những người bị viêm gan, suy giảm chức năng gan. Người ta đã tìm thấy các thành phần chống oxy hóa như cynarin và silymarin trong hoa, rễ, thân, lá Atiso. Cây Atiso có thể được nấu uống (trà Atiso) hay xào khô hay chế biến trong nhiều món ăn.

Rau đắng (biển súc): Biển súc, thường được gọi là rau đắng, một cây thuốc quý nhưng khá dễ tìm. Loại cây này được sử dụng trong nhiều bài thuốc dân gian nhằm hỗ trợ điều trị nhiễm trùng, mụn nhọt, giải độc gan,... Rau đắng có thể được luộc và trộn với muối mè dùng trong các bữa cơm, tốt cho hệ tiêu hóa.

Mã đề: Cây mã đề là một loại thảo dược có tính lạnh, vị ngọt, đã được Đông y sử dụng để hỗ trợ điều trị viêm gan, mụn nhọt, đau mắt đỏ. Có thể chế biến mã đề như một loại thức ăn hay thức uống, dùng vào bữa cơm trưa trong khoảng 6-7 ngày để tăng cường chức năng gan ở những người “nóng” gan, hay nổi mụn nhọt.

Diếp cá: Diếp cá là một loại rau khá phổ biến, xuất hiện trong bữa ăn hàng ngày của nhiều gia đình. Đây là loại thực phẩm có tính hàn, do đó có tác dụng thanh nhiệt và giải độc gan. Ngoài ra, rau diếp cá còn hỗ trợ điều trị tiểu buốt rắt, khí hư, mụn nhọt.
 

Hoa cúc: Hoa cúc có tính mát, nên người ta sử dụng trà hoa cúc để thanh nhiệt, mát gan, giải độc gan. Ngoài ra, trà hoa cúc còn hỗ trợ điều trị chứng mất ngủ, giảm căng thẳng,...

Cà gai leo: Cà gai leo là cây thuốc có vị the, tính ấm. Nhiều nhà Đông y sử dụng cà gai leo như một loại thuốc tiêu độc, trị nóng gan,... Tuy nhiên, việc lạm dụng cà gai leo có thể gây ra một số tác dụng lên gan hay các cơ quan khác.

Bồ công anh: Từ xưa, người ta đã sử dụng cây bồ công anh để giải độc gan. Cây bồ công anh chứa nhiều sắt, calci, kali, vitamin C, vitamin B6,... do đó nếu được chỉ định đúng có thể hỗ trợ điều trị các bệnh lý liên quan gan, thận.

Một số loại thực phẩm khác: Một số thức uống như trà xanh, nước bí đao, nước rau má, nước đậu xanh, đậu đen, nước râu ngô,... cũng có tác dụng thanh nhiệt, mát gan, giải độc gan.
 
Tóm lại, một số loại thuốc nam có tác dụng nhất định trong việc giải độc gan, hỗ trợ điều trị chức năng gan. Tuy nhiên, việc sử dụng các cây thuốc nam không đúng chỉ định, hướng dẫn của bác sĩ có thể gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng, đôi khi gây hại cho chính lá gan của bệnh nhân. Do đó, bệnh nhân nghi ngờ hoặc được chẩn đoán nhiễm độc gan cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng các phương pháp dân gian để điều trị bệnh.

Gọi điện SMS Chỉ Đường
Loading
Messenger Zalo