Thoái hóa cổ C1 C2 C3 C4 C5 C6 C7 và phương pháp phòng ngừa hiệu quả

07-12-2022
Thoái hóa cột sống cổ là một trong những tên gọi của tình trạng bệnh lý thoái hóa hệ thống xương cột sống. Nó là quá trình bệnh lý ở các đốt sống cổ, bắt đầu bằng những hiện tượng hư khớp ở các diện thân đốt, đĩa liên đốt tới các màng, dây chằng, dần dần về sau xuất hiện hiện tượng thoái hóa các đốt sống, gây đau vùng cổ, nhất là khi vận động vùng cổ. Cột sống cổ có 7 đốt sống và thoái hóa cổ C1 C2 C3 C4 C5 C6 C7 được mô tả là hiện tượng thoái hóa toàn bộ cột sống cổ. Vậy chúng ta cùng tìm hiểu kỹ hơn về tình trạng bệnh lý này nhé!
 
Thoái hóa cổ C1 C2 C3 C4 C5 C6 C7 là gì?
 
Cột sống cổ của mỗi người đều có 7 đốt sống xếp chồng lên nhau được đánh số thứ tự từ C1 đến C7. Các đốt sống này được chia thành hai phần, phần cột trụ cố định là C1 C2, phần tham gia vào chuyển động là từ C4 – C7. Các đốt sống từ C4 tới C7 rất dễ bị tổn thương và thoái hóa hơn so với 3 đốt sống còn lại là C1 C2 C3.
 
 
Thoái hóa đốt sống cổ C1 C2 C3 C4 C5 C6 là tình trạng toàn bộ đốt sống cổ bị tổn thương, bào mòn dẫn đến thoái hóa. Đặc biệt hơn, các đốt sống từ C4 – C7 là vị trí có các dây thần kinh và mạch máu đi qua, đồng thời được liên kết chặt chẽ với các mạch máu khắp cơ thể. Điều này khiến căn bệnh trở nên nguy hiểm hơn đối với sức khỏe và có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng.
 
Nguyên nhân gây thoái hóa cổ C1 C2 C3 C4 C5 C6 C7
Theo các chuyên gia xương khớp đã nhận định được những yếu tố khách quan và chủ quan thúc đẩy sự phát triển của bệnh lý thoái hóa cổ C6 C7 bao gồm 6 nguyên nhân hàng đầu sau.
Hoạt động ở tư thế sai: hiện nay đây là nguyên nhân về vận động hàng đầu gây ra tình trạng thoái hóa đốt sống cổ ở nhiều đối tượng tuổi tác. Các tư thế sai có thể là, làm việc trong một thời gian quá dài mà duy trì một tư thế duy nhất, ít vận động. Ngoài ra, tính chất công việc khiến người bệnh phải cúi đầu, ngửa cổ quá nhiều mang vác vật nặng trên đầu, trên vùng lưng cổ, ngồi trước màn hình máy tính quá lâu, ngồi vặn vẹo, ngủ gục đầu trên bàn…
 

Tuổi tác: người trung niên từ 40 đến 50 tuổi là đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh này. Đây là giai đoạn quá trình lão hóa xương khớp được đẩy nhanh, đặc biệt khi bản thân người bệnh trước đó đã có chế độ ăn uống và sinh hoạt không đảm bảo.
Chế độ dinh dưỡng không đảm bảo: ăn uống thiếu chất, thiếu canxi, kali, magie, sắt, vitamin… trong khẩu phần ăn, lạm dụng bia rượu, dùng nhiều chất kích thích, uống nhiều đồ có gas, hút thuốc lá nhiều… làm cho cột sống nhanh bị thoái hóa do thiếu dưỡng chất.
Chấn thương vùng cổ: người có tiền sử chấn thương tại vùng cổ do bất cứ nguyên do gì như lao động, sinh hoạt, tai nạn, chơi thể thao… đều có nguy cơ cao mắc bệnh thoái hóa đốt sống cổ từ sớm.
Di truyền: nếu trong gia đình có người mắc bệnh lý về cột sống thì khả năng mắc bệnh này ở các thành viên còn lại cũng được cho là cao hơn.
Thừa cân, béo phì: cân nặng cơ thể càng tăng thì áp lực lên cột sống càng lớn, điều này sẽ làm các đốt sống nhanh hao mòn và hỏng dần theo thời gian.
Thay đổi trong đĩa đệm và cột sống: các yếu tố kể trên có thể tác động và gây ra nhiều thay đổi trong cấu trúc cột sống ví dụ như sự mất nước đĩa đệm (bắt đầu từ 40 tuổi trở lên), thoát vị đĩa đệm, tăng sinh xương tạo thành gai, dây chằng bị xơ hóa…
 
Triệu chứng thoái hóa cổ C1 C2 C3 C4 C5 C6 C7
Thoái hóa cột sống cổ là bệnh lý phát triển chậm do đó trong giai đoạn sớm của bệnh có thể người bệnh sẽ không có bất cứ một triệu chứng nào đặc biệt. Tuy nhiên, khi các triệu chứng xuất hiện các biểu hiện thường thấy nhất đó là:
Khó khăn khi xoay hoặc làm các động tác vận động bình thường vùng cổ, cảm thấy vướng víu, cử động cổ bị đau nhức rất khó chịu. Không hiếm trường hợp nếu cố gắng vận động cổ và dẫn tới chứng vẹo cổ tạm thời.
Đau cổ: là dấu hiệu thường gặp của bệnh thoái hóa đốt sống cổ. Các cơn đau cổ có thể kéo dài từ gáy lan ra tai và cổ, đau lan đến đầu.
Mất cảm giác chi trên: nếu thoái hóa cột sống cổ khiến cho dây thần kinh vận động tay bị chèn ép nghiêm trọng có thể gây mất khả năng cảm nhận nóng lạnh của đôi tay, giới hạn khả năng vận động tay hay thậm chí là gây yếu liệt nếu không được điều trị.
Cứng cổ vào buổi sáng: nếu thay đổi thời tiết đột ngột từ nóng sang lạnh, người bệnh có thể bị cứng cổ vào sáng sớm sau khi ngủ dậy. Khi bị cứng cổ không tự đi được kèm theo rất sợ những cơn ho, hắt hơi. Có người đau ê ẩm vùng gáy hoặc cả mảng đầu sau, rồi lan sang mảng đầu bên phải.
Một số những trường hợp, mất cảm giác sâu của tay, đôi khi cánh tay và bàn tay có thể bị tê liệt.
Dấu hiệu Lhermitte: là cảm giác khó chịu đột ngột như có luồng điện đi từ cổ xuống xương sống, thậm chí cả tay, chân, ngón tay và ngón chân. Biểu hiện này mạnh hơn khi bạn cúi cổ về trước, nó có thể kết thúc nhanh hoặc kéo dài.
Trường hợp nghiêm trọng: yếu cơ, liệt chi, đi không vững, bước đi xiêu vẹo… khi có chèn ép tủy sống.

Biến chứng thoái hóa cổ C1 C2 C3 C4 C5 C6 C7
Thoái hóa cột sống cổ nếu không được chăm sóc và điều trị đúng cách, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý và chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Giảm khả năng vận động: cột sống cổ là nơi chứa nhiều dây thần kinh quan trọng, đồng thời đây cũng là nơi tiếp nối với nhiều bộ phận khác trên cơ thể. Liên kết chặt chẽ này giúp đốt sống vận động nhịp nhàng và trơn tru. Do đó, khi tổn thương xuất hiện mà lâu ngày không được cải thiện dẫn đến đốt sống cổ dễ bị thoái hóa. Chính vì điều này, khả năng vận động của đốt sống sẽ bị suy giảm.
Rối loạn tiền đình: nguyên nhân dẫn đến biến chứng rối loạn tiền đình là do thoái hóa cột sống cổ gây tổn thương lỗ tiếp hợp, làm gián đoạn tuần hoàn và gây ra chứng thiếu máu não. Thiếu máu não khiến dây thần kinh số 8 bị tổn thương, dẫn đến chứng rối loạn tiền đình. Biến chứng này thường gặp ở người cao tuổi, trong đó tỷ lệ mắc của nữ giới cao hơn nam giới.
Thoát vị đĩa đệm: thoát vị đĩa đệm cổ được xem là biến chứng nặng của thoái hóa cột sống cổ. Biến chứng này xảy ra khi thoái hóa cột sống cổ đã tiến triển trong một thời gian dài. Không chỉ là những cơn đau, biến chứng này còn gây ảnh hưởng đến các dây thần kinh và mạch máu. Ngoài ra, hậu quả mà thoát vị đĩa đệm để lại cũng vô cùng nghiêm trọng làm tổn thương nặng nề cho người bệnh.
Chèn ép dây thần kinh: dây thần kinh chèn ép là hệ quả do thoát vị đĩa đệm hoặc do cột sống hình thành gai xương. Thoát vị đĩa đệm khiến lớp nhân nhầy bên trong thoát ra ngoài, chèn ép vào dây thần kinh. Thoái hóa cột sống cổ khiến các gai xương hình thành quá mức cũng chèn ép lên các dây thần kinh.
Gây ảnh hưởng đến tâm lý: người bệnh thoái hóa cột sống cổ họ thường xuyên cảm thấy lo lắng, mệt mỏi và có thể rơi vào trạng thái trầm cảm. Biến chứng này xảy ra do các triệu chứng của bệnh bùng phát mạnh, gây khó khăn khi sinh hoạt, ảnh hưởng đến giấc ngủ, đời sống và công việc.
Liệt, tàn phế: khi các rễ thần kinh bị chèn ép, bàn tay và cánh tay của người bệnh thường xuyên bị tê bì, châm chích, xuất hiện dị cảm và không có sức. Tuy nhiên, đây chỉ là mức độ khởi phát của biến chứng. Trường hợp dây thần kinh bị chèn ép nặng hơn có thể dẫn đến teo cơ và rối loạn cảm giác. Ngoài ra, người bệnh còn có nguy cơ mắc rối loạn đại tiểu tiện. Nếu không được điều trị kịp thời, dây thần kinh có thể bị tê liệt hoàn toàn dẫn đến liệt chi trên (liệt tay) hoặc liệt toàn bộ phần thân trên (liệt nửa người).
 
Bài tập phòng ngừa thoái hóa đốt sống cổ
Tập thể dục vùng cổ vai là một phương pháp có tác dụng phòng tránh các cơn đau vùng cổ vai và làm giảm triệu chứng đau khi đang bị bệnh. Các bài tập này có tác dụng: tăng tầm vận động cột sống cổ, tăng sức mạnh các khối cơ vùng cổ, giúp tư thế cột sống cổ ở đúng trạng thái sinh lý, giảm đau và phòng tránh tái phát các bệnh lý cột sống cổ do thoái hóa.

Thời gian tập: duy trì đều đặn hàng ngày 1- 2 lần vào buổi sáng hoặc tối trước khi đi ngủ, mỗi động tác thực hiện 5-10 lần.
Lưu ý khi tập luyện: Thực hiện các động tác nhẹ nhàng, từ từ đề phòng chóng mặt do thay đổi tư thế đột ngột
Động tác 1: gập cột sống cổ: Cúi đầu về phía trước, cằm càng gần ngực càng tốt, sau đó trở lại vị trí ban đầu (đầu thẳng).
Động tác 2: duỗi cột sống cổ: Ngửa đầu ra phía sau hết mức có thể, sau đó trở lại vị trí ban đầu (đầu thẳng).

Động tác 3: Nghiêng cột sống cổ: Lần lượt nghiêng đầu sang vai hai bên, càng xa càng tốt, sau đó trở lại vị trí ban đầu (đầu thẳng).

Động tác 4: Xoay cột sống cổ: Lần lượt xoay đầu sang hai bên, càng xa càng tốt, mắt nhìn xuống vai, sau đó trở lại vị trí ban đầu (đầu thẳng).

Động tác 5: tập mạnh cơ cổ phía trước: Đặt bàn tay phải hoặc trái lên trán, tạo một lực ấn vào đầu, đồng thời đầu ép về phía trước tạo một lực kháng lại lực ấn của bàn tay, sao cho không xảy ra cử động cột sống cổ. Giữ yên 5 giây.

Động tác 6: tập mạnh cơ cổ phía sau: Một hoặc hai bàn tay đặt phía sau đầu, tạo một lực ấn vào đầu, đồng thời đầu ép về phía sau tạo một lực kháng lại lực ấn của tay, sao cho không xảy ra cử động cột sống cổ. Giữ yên 5 giây.

Động tác 7: Tập mạnh cơ cổ hai bên: Lần lượt đặt bàn tay hai bên lên đầu cùng bên, phía trên tai, tạo một lực ấn vào đầu, đồng thời đầu cũng ra một lực kháng lại lực ấn của bàn tay, sao cho không xảy ra cử động cột sống cổ. Giữ yên 5 giây.

Động tác 8: Kéo dãn cột sống cổ tư thế nghiêng: Lần lượt từng bên, một tay vịn vào ghế, tay kia vòng qua đầu nhẹ nhàng kéo đầu theo đường chéo hướng xuống về phía bên đối diện. Giữ yên 5 giây.
 

Gọi điện SMS Chỉ Đường
Loading
Messenger Zalo